Home » Kỹ thuật cây cảnh
Kỹ thuật trồng cây vào chậu
Cây cảnh trồng trên chậu mới có điều kiện để ta quan sát rõ được mọi đường nét của thân, cành, từ đó giúp ta có những phương án uốn kéo thân, giữ bỏ cành theo hướng tối ưu
- Mặt khác cây trồng dưới vườn sẽ non rất lâu, chỉ có trồng trên chậu thì cây mới già đi nhanh, vỏ cây sẽ đanh hơn, là nhỏ dần đi, tốc độ phát triển chậm lại, lâu bị “phá dáng”. Sau nữa, cây có ở trên chậu mới trở thành một sản phẩm nghệ thuật ngày một hoàn chỉnh, có thể đặt vào nơi cần trang trí mà ngắm hoặc đem đi trưng baỳ.
Trồng cây trên chậu có hai yêu cầu:
1- Kỹ thuật trồng cây, bao gồm những việc cần tuân thủ nhằm để cây sống được lâu dài, cho quá trình tạo tác và thưởng lãm.
2- Cây trồng như thế nào để thuận lợi cho việc tạo hình nghệ thuật theo ý tưởng của người trồng.
Kỹ thuật trồng cây
1. Chuẩn bị
Chuẩn bị sẵn đất trồng: đất, mùn, phân súc vật… phải được ủ kĩ vừa cho hoai mục, vừa diệt các mầm bệnh hại cây do nhiệt độ cao sinh ra trong quá trình ủ. Cần tránh tình trạng khi có cây rồi mới vội đi tìm chất trồng, rồi gặp thứ gì dùng thứ đó, nhất là đất nhiễm độc tố khiến cây có thể bị ngộ độc, yếu, chậm lớn hoặc chết. Đất trồng nhất thiết phải khô, ải, tức là có thời gian làm giàu chất õy cho đất. Không dùng ngay đất trên chậu đã trồng cây hàng năm vì đất đó không còn dinh dưỡng.
Chuẩn bị trồng cây: tùy theo kích cỡ, tùy theo giống cây, tùy theo dự định cách trồng: trực, xiêu, hoành, huyền mà chọn loại chậu và màu men của chậu cho phù hợp với cây. Không nên trồng tạm rồi sẽ tính sau, bởi bất đắc dĩ mới đánh cây ra, vì mỗi lần đánh cây ra trồng lại sẽ làm cây tổn thương và yếu đi rất nhiều, cây phải có thời gian lâu mới hồi phục. Cây còn cuộc nguyên ở trong bầu có thể để ở chỗ mát 2-3 ngày, đủ thời gian đi tìm chậu phù hợp. Cây đang ở dưới vườn chưa vội đánh lên khi chưa có chậu.
Thông thường mỗi bồn, chậu đều có lỗ thoát nước. Nếu chưa có lỗ thoát nước thì nhất thiểt phải khoan lỗ thoát rồi mới cho đất vào trồng cây.
Chuẩn bị màng lưới hoặc mảnh sành để đặt lên lỗ thoát nước: nếu là mảnh sành phải có độ cong mới không bịt mất lỗ thoát nước. Không nên dùng mảnh xốp để chắn lỗ thoát nước, vì khi đất xẹp xuống sẽ hạn chế hoặc làm tác lỗ thoát. Nếu thấy hiện tượng thoát nước chậm thì phải lật nghiêng chậu cây lên để kiểm tra, nếu thấy màng lưới hay mảnh sành chặn lỗ thoát nước không đứng yên thì phải đánh cây ra để điều chỉnh.
2. Trình tự trồng cây
- Đặt màng lưới hay mảnh sành trên lỗ thoát nước
- Rải lớp đất to khoảng 3x3cm, lớp này dày chừng 3cm
- Rải lớp đất nhỏ hơn khoảng 1x1cm
- Rải lớp đất nhỏ có mùn khoảng 1cm
Đó là trồng cây bằng đất, ngày nay với công nghiệp sinh vật cảnh, người ta chế sẵn các giá thể trồng cây, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa tơi xốp, vừa dễ trồng và dễ thay đất, nên không cân trình tự cho đất vào chậu như trên.
Tùy theo bồn chậu vuông, tròn hay hình chữ nhật, ta xén xung quanh vầng đất bằng dao sắc theo hình của bồn chậu, vầng đất cần cách thành bồn chậu chừng 5cm so với mặt chậu.
Bỏ đất nhỏ, khô vào xung quanh chậu từng ít một. Bỏ đất đến đâu thì dùng que đầu tù thọc và ngoáy cho đất thụt xuống. Vừa ngoáy que vừa bỏ đất cho đến khi đất không xuống thêm nữa thì thôi. Chú ý: không lấy tay nhồi đất vì sẽ không chặt, trong lòng chậu sẽ có khoảng trống không có đất, rễ không phát triển qua khoảng trống đó, cây sẽ yếu.
Sau đó tưới nước từng ít một cho đến khi đẫm nước, để nước đã thoát ra ở đáy chậu khá nhiều là được.
Để cây vào nơi mát và thoáng gió, thời gian từ 7-10 ngày tùy theo thời tiết mùa hè hay mùa đông, sau đó mới đưa dần cây ra nắng.
<Nguồn: Sưu tầm >